- Tha thứ
Hầu như ai cũng cho tha thứ là khó, và người nào có thể đi đến tha thứ thì được coi như can đảm, thậm chí anh hùng nữa. Theo quan niệm này thì tha thứ là do ý chí và nỗ̃ lực của con người làm nên. Nhưng chúng ta biết rằng tất cả những gì dựa trên con người thì như xây nhà trên cát. Phải bỏ ra rất nhiều công sức, nhưng kết quả lại không bền vững. Vậy tại sao chúng ta lại không xây dựng lòng tha thứ trên đá là chính Chúa? Ở đây tôi không muốn nói là chúng ta xin Chúa sức mạnh để tha thứ. Chúng ta có thể xin Chúa ơn này, nhưng nếu thế thì chúng ta cứ phải xin Chúa luôn mãi mà cũng chẳng giải quyết được vấn đề tha thứ nơi mình. Nhưng chúng ta hãy nhìn mình trong Chúa là Sự Thật để biết được con người thật của mình như thế nào. Điều này giả thiết chúng ta đã có ít nhiều thâm tình với Chúa qua cầu nguyện. Trong Chúa, chúng ta sẽ nhận ra bản tính nghèo hèn, yếu đuối, mỏng giòn của mình, và thấy mình “đáng ghét” như văn hào Pascal đã nói. Vậy mà Thiên Chúa vẫ̃n yêu thương và tha thứ tất cả cho mình. Nếu chúng ta cảm nhận được tự đáy lòng tình yêu và lòng tha thứ Chúa dành cho mình, thì chúng ta có thể làm hoà với Chúa, rồi chúng ta có thể chấp nhận được mình tuy biết mình khốn cùng và chúng ta làm hoà được với cả chính mình nữa.
Nhận biết sự nghèo hèn của mình cùng lòng thương xót của Chúa, là điều kiện cần thiết để chấp nhận và tha thứ cho kẻ khác. Người nào không thấy được tình trạng nghèo hèn của mình và do đó không biết được thân phận khốn cùng của con người, thì không thể biết được lòng thương xót và tha thứ Chúa dành cho mình và cho người khác. Vì vậy, người ấy không thể chấp nhận người khác, nói chi là tha thứ cho họ. Người nào nhìn thấy tình trạng khốn cùng của mình nhưng lại không tin là Chúa có thể yêu thương và tha thứ cho mình thì cũng vậy thôi. Họ không thể làm hòa với Chúa và với chính mình, nghĩa là họ không thể tha thứ cho chính mình, thì làm sao họ tha thứ cho kẻ khác được? Bằng cách này, chúng ta có thể đi đến cả tha thứ cho kẻ thù như Chúa chỉ dạy. Vì trong Chúa, chúng ta sớm nhận ra kẻ thù trước tiên của mình không ai khác hơn là chính mình, là người chúng ta phải chống trả lại nhiều nhất. Nếu chúng ta có thể tha thứ cho kẻ thù lớn nhất là chính mình thì việc tha thứ cho người khác là những kẻ thù thứ yếu, dù là người thân hay sơ, cũng trở nên dễ̃ dàng hơn.
Trong Chúa, chúng ta cũng sẽ nhận ra rằng tất cả mọi người đều mang thương tích ít nhiều trong mình và luôn gây thương tích cho nhau. Dĩ nhiên, người bị thương trầm trọng nhất là người có thể gây thương tích nặng nhất, vì đó là những người nghèo nhất về những thứ mà người đời thường coi trọng: tình yêu, tiền bạc, địa vị, quyền lực, kiến thức, tài năng, đức độ, v.v. do đó, họ là những người đau khổ nhất và có nhiều mặc cảm nhất. Thật vậy, người ta không tấn công vô cớ, người ta thường tấn công để tự bảo vệ trước một nguy hiểm làm họ sợ, sợ mất cái gì mình đang có hoặc sợ không được cái gì mình muốn. Vì vậy người càng có ít thì càng có khuynh hướng tấn công người khác, nhất là những người có nhiều hơn mình và do đó thành mối đe dọa cho mình vì những người này làm rõ nét hơn sự thua kém của mình và có ưu thế hơn mình để thắng cuộc. Nếu chúng ta hiểu rõ được động lực thúc đẩy người khác tấn công mình là như thế, chúng ta sẽ phải cảm thấy ít bị tổn thương hoặc không bị tổn thương chút nào và còn phải chạy đến cứu giúp họ, nếu họ là người bị thương nhiều hơn mình. Nếu chúng ta còn tìm cách trả đũa hay trả thù, thì giống như chúng ta đâm thêm những nhát dao vào nạn nhân đang bị thương. Chúng ta cho một hành động như thế là tàn ác, man rợ, phi nhân, nhưng dường như chúng ta đã không ít lần làm như vậy!
Và cũng thật nghịch lý nhưng nhiều khi chính chúng ta là người gây ra xung đột mà chúng ta tưởng là do người kia bắt đầu. Vì mặc cảm như đã nói ở trên, hoặc vì ích kỷ, vì thiếu hiểu biết, hay vì thành kiến sẵn có về người khác, chỉ cần người ta làm hay nói những điều chưa thấu đáo, vụng về, hay khác với mình, là chúng ta có thể nghĩ người ta khinh ghét hay muốn tấn công mình. Thế là chúng ta trả đũa lại sự khinh ghét hay tấn công tưởng tượng này bằng một sự tấn công thật sự và kéo theo phản ứng y hệt nơi đối phương và cứ như thế tiếp diễ̃n thành một cuộc chiến không ngừng, trừ khi có người hồi tỉnh và xin lỗi. Ở đây chúng ta hẳn là người phải xin lỗi trước nhưng chúng ta không hề nghĩ được như thế. Và vì người kia cũng cho là do chúng ta gây sự nên phải xin lỗ̃i trước, nên tình huống này cuối cùng thường đưa đến việc cắt đứt luôn quan hệ.
Bài 107 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.