LTD Bài 105. Bàn ra

Lưu Thùy Diệp

by snHuyenBang

 

  1. Bàn ra

Một người bạn nói với tôi một câu nhận xét làm tôi phải suy nghĩ: “Sao bạn hay bàn ra thế?” “Bàn ra” thì chẳng có gì phải làm tôi suy nghĩ, nhưng “hay” bàn ra có nghĩa là tôi làm điều này thường xuyên; vậy, bàn ra là một thói quen của tôi và như Đức Đạt Lai Lạt Ma nói, thói quen sẽ làm nên tính cách. Trong cầu nguyện tôi xin Chúa soi sáng để nhìn ra con người mình và tôi đã có những khám phá bất ngờ về tính cách hay bàn ra này.

Trước tiên, tôi nhìn lên gương sống của tôi là Đức Giêsu để xem Người có hay bàn ra không. Lạ thay! Không một lần nào tôi thấy Người bàn ra hết, Người chỉ bàn vô thôi. Thật vậy, từ chuyện các môn đệ xua đuổi trẻ em khỏi Đức Giêsu (x. Mc 10,13-14), rồi xin Đức Giêsu giải tán dân chúng để họ tự đi tìm ăn (x. Mt 14,15-16), việc anh mù Báctimê bị quát nạt phải im không được kêu Người cầu cứu (x. Mc 10,48-49), đến chuyện ông Giuđa chỉ trích cô Maria lấy dầu thơm quý giá xức chân Người (x. Ga 12,5-7), rồi ông Phêrô can ngăn Người đừng lên Giêrusalem chịu chết (x. Mt 16,22-23), v.v. hễ các môn đệ bàn ra thì Người lại bàn vô. Tôi liền nhận ra Đức Giêsu chỉ hành động vì yêu thương và chính vì tôi không có con tim yêu thương như Người nên tôi mới hay bàn ra như các môn đệ.

Tôi vẫn được dạy rằng để suy xét một vấn đề, phải biết nhận định, và tôi thường nhận định bằng cách xác định trước đâu là mục đích và đâu là phương tiện, rồi đánh giá những phương tiện sẵn có xem có giúp đạt được mục đích hay không, và những điều kiện khách quan để thực hiện xem có tốt hay không, nếu có thì tôi bàn vô, nếu không thì tôi bàn ra. Nhưng phải biết rằng cách nhận định này không thể áp dụng vào đời sống thiêng liêng, trong đó yếu tố yêu thương và ơn Chúa là chính. Nếu tôi đặt yêu thương lên hàng đầu, như Đức Giêsu, tôi sẽ không nhìn thấy gì khác ngoài mục đích đáp ứng nhu cầu yêu thương, nên tôi phải bàn vô trước đã và dựa vào ơn Chúa cho những gì còn thiếu sót. Nhưng vì không đặt nặng yêu thương và ơn Chúa, tôi nhìn trước tiên vào phương tiện và điều kiện và nếu thấy chúng không hoàn toàn cho phép đạt đến mục đích thì tôi bàn ra ngay.

Tôi đã từng được tiếp xúc với những người mà coi vẻ như họ không có khả năng nhận định, thậm chí cả những người “nhà quê” không biết chữ. Vì vậy, họ cũng chẳng biết đọc Lời Chúa để suy niệm, nhưng mỗi ngày, họ đến dự thánh lễ, tôi cũng chẳng biết khi họ nghe Lời Chúa hay cha giảng thì họ hiểu đến đâu, nhưng đời sống của họ toát lên sự thánh thiện. Những gì họ nói ra, tuy rất ít, nhưng thật khôn ngoan và tôi tin là họ được tràn đầy ơn Thánh Thần. Họ không làm việc gì to tát, tất cả những gì họ làm đều nhẹ nhàng và âm thầm và tôi tin là Chúa Giêsu Thánh Thể họ rước hằng ngày đang sống trong họ và hoạt động qua họ. Tôi chợt nhận ra, ở nơi họ, ơn Chúa là đủ, và vì ơn Chúa là vô tận, họ có khả năng hơn tôi nhiều, vì tôi chỉ cậy dựa vào mình.

Do tôi quá tự tin về khả năng nhận định và các khả năng khác của mình, nên tôi ỷ vào sức mình hơn là vào ơn Chúa. Tôi lại lấy mình làm tiêu chuẩn, nên khi thấy mình không đủ khả năng làm điều gì, thì tôi bàn ra, cho rằng nếu tôi không làm được thì người khác cũng không làm được, quên mất rằng họ còn có ơn Chúa nữa. Ngoài ra, trong mọi vấn đề, tôi có khuynh hướng nhìn điều tiêu cực trước điều tích cực, và chỉ cần thấy có chút bóng đen là gạt ra ngay. Tôi không có lòng thương xót như Chúa, Đấng không nỡ bẻ gẫy cây lau bị giập, không nỡ dập tắt tim đèn còn khói (x. Is 42,3). Lạy Chúa, xin cho các khả năng Chúa ban cho con đừng trở nên những vũ khí chống lại con và xin cho con có con tim yêu thương của Chúa!

Bài 105 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.

Những Bài Liên Quan