- Không thừa không thiếu
Tôi nghiệm ra rằng nhiều vấn đề nảy sinh trong tương quan cũng là vì tôi không biết hoặc không tôn trọng các giới hạn trong trách nhiệm của tôi, và vì thế, tôi là người đầu tiên chịu đau khổ cùng làm cho người khác đau khổ mà cứ tưởng là mình đang làm điều tốt cho họ. Tôi xin đơn cử một vài ví dụ.
Trong gia đình, vợ chồng, cha mẹ, con cái có trách nhiệm với nhau là điều bình thường. Với bổn phận làm vợ tôi luôn nhắc nhở chồng tôi ăn uống cẩn thận nhưng anh không nghe và hậu quả là hiện nay anh mắc vào ba chứng bệnh “cao”: cao mỡ, cao đường, cao máu. Đã thế mà chồng tôi cũng không chịu uống thuốc cho tử tế, tôi lại phải nhắc nhở và anh có thái độ như ban ơn cho tôi mỗi khi anh uống thuốc cho chính mình. Vậy có phải là chồng tôi không có trách nhiệm với chính anh không? Tôi nghĩ đó là do lỗi của tôi khi đã vượt quá trách nhiệm của mình đối với chồng để giờ đây anh xem tôi là người có trách nhiệm đối với sức khỏe của anh chứ không phải là chính anh.
Đối với con tôi cũng thế, tôi luôn phải kêu nó dậy để đi học và bây giờ tôi cũng luôn phải gọi nó dậy để đi làm nếu không nó sẽ đi trễ. Tôi nghĩ tôi đã không tập được cho con tôi sống có trách nhiệm với chính nó vì tôi đã sống trách nhiệm của nó thay cho nó rồi. Cũng thế, đối với cô đồng nghiệp cùng văn phòng với tôi, mới đầu, thấy công việc cô ấy bị bê trễ, tôi đã phụ giúp cô ấy hoàn tất công việc, và giờ đây, cùng lãnh lương như nhau nhưng khối lượng công việc của tôi gần như gấp đôi, vì tôi muốn công việc trong văn phòng của chúng tôi phải luôn tươm tất. Nhưng khác với chồng con tôi, tôi hay bực tức khi phải làm phụ thêm cho cô đồng nghiệp của tôi, phần vì thấy cô ấy ỷ lại, phần vì thấy có sự bất công đâu đó.
Tôi cứ tưởng như thế là tôi sống yêu thương, nhưng giờ đây tôi nhận ra thương ai không phải là làm thay cho họ những gì thuộc trách nhiệm của họ, mà là giúp họ sống có trách nhiệm, để họ được trưởng thành và tự do, như thế, họ mới được hạnh phúc. Khi vượt giới hạn trách nhiệm của mình, tôi đã làm cho chồng con và đồng nghiệp của tôi sống vô trách nhiệm, thiếu trưởng thành và phụ thuộc vào tôi. Vì vậy, tôi không có quyền trách họ mà phải trách chính mình, rồi chính tôi phải thay đổi cách hành xử của tôi thì họ mới thay đổi cách hành xử của họ được, bằng cách là tôi không lấn lướt trách nhiệm của họ nữa. Điều đó đòi hỏi tôi, như người cha trong dụ ngôn đứa con hoang đàng, là phải có can đảm để nhìn thấy họ rơi vào tình trạng tồi tệ mà không tìm cách cứu giúp. Nhờ thế, trong trường hợp của chồng và con tôi, họ sẽ có được kinh nghiệm đau thương mà nhớ bài học và sống trách nhiệm của mình. Hoặc, trong trường hợp của đồng nghiệp tôi, nếu cô ấy không đảm nhận được trách nhiệm giao phó, cấp trên sẽ nhận ra vấn đề và giải quyết triệt để.
Xét cho cùng, việc tôi sống trách nhiệm một cách thái quá có thể đến từ những động lực tiêu cực. Tôi sợ bị chê cười hay chỉ trích và cũng không muốn những người liên quan đến mình bị như thế. Do đó, tôi phải làm thay cho họ để mọi sự được tươm tất và không ai chê trách được họ, hầu tôi không bị mất thể diện vì họ hơn là vì tôi yêu thương họ. Tôi cũng là người cầu toàn nên hay bực mình khi việc không được làm như ý mình muốn; đồng thời, tôi tự phụ, cho rằng không có mình thì việc không thể hoàn thành tốt đẹp. Vì thế, không chỉ làm thay cho người thiếu khả năng hay thiếu trách nhiệm, đôi khi tôi cũng dẫm lên trách nhiệm của người có khả năng hay có trách nhiệm. Điều này luôn khiến họ khó chịu, vì khi lấn lướt trách nhiệm của ai là tôi không tôn trọng họ và lấn lướt cả ý muốn lẫn tự do của họ.
Tóm lại, trách nhiệm là một giá trị và người sống có trách nhiệm được mọi người đánh giá cao. Nhưng mọi sự trên đời phải có chừng mực, nếu không thì cái tốt cũng trở thành xấu. Vì vậy, tôi nhủ lòng mình là phải sáng suốt để sống trách nhiệm vừa đủ, không thừa mà cũng không thiếu.
Bài 103 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.