- Tại sao phải tha thứ?
Khi trước tôi sẽ trả lời rằng tôi phải tha thứ để cho lòng mình được thanh thản hoặc để được Chúa thứ tha cho mình, nhưng giờ đây, tôi nghiệm ra rằng tôi phải tha thứ vì tha thứ là hoa trái cụ thể của lòng thương xót, và chỉ khi tôi sống lòng thương xót thì tôi mới là hình ảnh và giống như Chúa và do đó mới giữ được phẩm giá làm con Chúa. Với tình yêu thương vô bờ bến, điều duy nhất Chúa muốn cho con cái mình là chúng được hạnh phúc, nhưng hạnh phúc chỉ được bảo đảm khi chúng sống phẩm giá ấy. Vì vậy, Chúa luôn tìm cách bảo toàn và phục hồi phẩm giá cho con cái mình và cũng muốn chúng làm như thế cho chính mình và cho nhau.
Khi ông bà nguyên tổ, Cain, hay vua Đavít phạm tội, Chúa trừng phạt tội của họ: ông Ađam phải đổ mồ hôi trán ra để kiếm ăn, bà Evà phải chịu đau đớn khi sinh nở, Cain phải đi xa khuất khỏi mặt Chúa, con vua Đavít sinh ra trong tội phải chết. Nhưng sau đó, Chúa đều phục hồi phẩm giá cho họ: Chúa đã làm những chiếc áo bằng da để mặc cho ông bà nguyên tổ đang trần truồng, Chúa đã gìn giữ cho mạng sống của Cain không bị ai xâm phạm, Chúa đã sai ngôn sứ Nathan đến gây ý thức cho vua Đavít thấy tội của mình để ăn năn hối cải. Đó là cách Chúa hành xử với những kẻ tội lỗi, dù tội họ có nặng đến đâu, thậm chí họ có là những kẻ sát nhân như Cain và vua Đavít. Họ đã phạm tội, vì công bình, họ phải bị trừng phạt vì tội của mình, nhưng vì yêu thương, Chúa luôn cho họ cơ hội để phục hồi phẩm giá, Chúa không thể đi ngược lại với bản chất giàu lòng thương xót của mình.
Đó là chuyện kể trong Cựu Ước, nhưng chính Chúa Con đã xuống thế sống cụ thể lòng thương xót ấy, đặc biệt là Người xin Chúa Cha tha cho những kẻ đóng đinh mình đến chết và cho một tên gian phi được hưởng phúc đời đời ngay với mình khi thấy anh ta hối lỗi. Cuối cùng, tuy thấy Đức Giêsu chết một cách nhục nhã trên cây thập giá như một người không chút quyền năng, viên đại đội trưởng La Mã lại nhận ra ngay Người là Con Thiên Chúa, còn đám đông thì đấm ngực vì biết rằng họ đã kết án Người một cách bất công. Vậy, quyền năng của Thiên Chúa chính là lòng thương xót được biểu hiện qua sự tha thứ. Chừng nào tôi chưa nhận ra điều này, tôi sẽ không thể chấp nhận sự tha thứ và sống lòng thương xót với anh chị em mình. Lúc đó, thay vì làm chứng cho vị Thiên Chúa đích thật, tôi lại làm cho người khác quay lưng lại với Người qua lối sống thiếu lòng thương xót của tôi, và vị Thiên Chúa tôi tôn thờ chỉ là một Thiên Chúa tôi phóng chiếu từ mình, chẳng thay đổi được đời sống tôi hoặc thu hút người khác qua tôi.
Khi tôi muốn người làm hành động xấu bị trừng phạt, tôi có khác gì người anh cả trong dụ ngôn Đứa con hoang đàng? Chính vì hành động của mình mà người con thứ, vốn là con nhà giàu có, đã phải đi đến tình trạng chăn heo và thèm đồ heo ăn mà lại không được quyền ăn. Chính hành động xấu của anh đã là sự trừng phạt cho anh rồi, đồng thời, phẩm giá của anh đã bị mất trắng, vậy mà tôi không thấy thương xót lại còn muốn anh bị trừng phạt, không màng gì đến phẩm giá của anh. Khi hành xử như thế, chính tôi lại đánh mất phẩm giá của mình vì tôi không còn là hình ảnh và giống như Chúa là Đấng giàu lòng thương xót nữa. Hoặc tôi cũng như người thợ vào làm vườn nho vào giờ thứ nhất, ghen tức vì ông chủ trả một quan tiền cho cả người đến vào giờ chót hết. Người này hẳn phải có nhiều khiếm khuyết khiến anh không được ai mướn sớm hơn, đây cũng đã là sự đau khổ cho anh rồi. Khi ghen tức với anh vì nghĩ Chúa bất công, tôi không nhận ra ân phúc Chúa đã ban cho tôi và tự nó đã là phần thưởng cho tôi, tôi cũng không biết xót thương cho sự bất hạnh của anh. Không có lòng thương xót, tôi tự làm mất phẩm giá làm con Chúa, và đây mới là cái họa đời đời cho tôi nếu tôi không biết hối cải!
Tóm lại, hành động gian ác thì phải bị trừng phạt và thường thì chính hành động đó đã đem lại sự trừng phạt cho thủ phạm rồi. Nhưng người làm tội thì phải được tha thứ khi họ biết ăn năn và xin tha tội. Còn nếu như họ chưa nhận ra tội của họ và tiếp tục phạm tội thì tôi phải tìm mọi cách để ngăn chận việc làm sai trái của họ, ngay cả khi điều này có thể kéo theo cái chết của họ ở đời này, và đôi khi, chính nhờ vậy mà phẩm giá của họ lại ít bị hoen ố hơn khi họ đến ngưỡng cửa của đời sau. Nhưng tuyệt đối tôi không được trả thù họ bằng cách cố ý gây cho họ tổn thương như họ đã gây cho tôi. Nếu làm thế, chính phẩm giá làm con Chúa của tôi sẽ bị tổn hại, thì còn đâu hạnh phúc Chúa muốn cho tôi nữa?
Bài 102 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.