- Khí cụ mềm dẻo
Luật lệ tôn giáo hay luân lý là cần thiết để hướng dẫn chúng ta sống đạo đức và tôn trọng nhau để cuộc sống chung được ổn định. Khi sống theo luật lệ, chúng ta cảm thấy an tâm vì lương tâm không thể trách mình và yên thân vì không ai có thể chỉ trích mình, ngược lại, chúng ta sẽ sẵn sàng lên án người nào không tuân theo luật lệ. Tuy nhiên, một trong những tội khiến Đức Giêsu bị kết án chính là vì Người không tuân theo lề luật của người Do Thái, vậy, gương của Người đối với chúng ta ra sao?
Đức Giêsu vẫn giữ lề luật Do Thái như chịu cắt bì, được hiến dâng cho Chúa vì là con đầu lòng, lên đền thờ Giêrusalem vào những ngày lễ, đến hội đường vào các ngày sa-bát và cả đóng thuế cho đền thờ nữa. Đức Giêsu cũng tuyên bố rằng Người đến không phải để bãi bỏ mà là để kiện toàn lề luật (x. Mt 5,17). Người đã kiện toàn bằng cách mặc cho lề luật tinh thần yêu thương và Người sẽ không tuân theo lề luật khi lề luật ấy không phục vụ cho con người. Vì vậy, đã biết bao lần Người phạm luật Mô-sê để cứu chữa những người bệnh tật vào ngày sa-bát, vì đối với Người: “Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát” (Mc 2,27). Ngay cả đến kế hoạch cứu độ, Đức Giêsu cũng không ngần ngại thay đổi. Chẳng hạn như để giúp cho đôi tân hôn ở tiệc cưới tại Cana, tuy giờ Người chưa đến, Người vẫn làm phép lạ hóa nước ra rượu (x. Ga 2,1-11). Hoặc trước tình thương táo bạo của người đàn bà dân ngoại, Người đã không khăng khăng giữ ý định chỉ đến với dân Ítraen và đã chữa cho con gái bà ấy khỏi quỷ ám (x. Mc 7,24-30).
Về phần chúng ta, chừng nào chưa yêu thương Chúa và anh chị em mình đủ, chúng ta vẫn phải nghiêm chỉnh tuân theo lề luật như những chỉ dẫn để giúp mình sống cho đúng đối với Chúa và với tha nhân. Nhưng, như thánh Phaolô nói, khi “đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13,10), nên khi chúng ta đã sống yêu thương, chúng ta không sợ vượt qua lề luật, như Đức Giêsu đã từng làm. Chúng ta dễ tưởng lầm rằng khi chúng ta sống có nguyên tắc mới là người nhân đức. Nhưng nhân đức ấy chỉ khiến chúng ta tự hào về mình và trở thành người cứng nhắc, đáng kính, nhưng không làm chứng gì được cho Chúa. Như Chúa Giêsu đã cho thấy, không có nguyên tắc nào hơn nguyên tắc tình yêu, và tình yêu thì linh động, nên, tùy theo tình huống, chúng ta sẽ phải uyển chuyển trong nguyên tắc hay trong kế hoạch, vì tình yêu.
Sống như thế, chúng ta có thể bị xem là trẻ con, không biết suy tính nên hay thay đổi ý kiến. Nhưng như thánh Âugustinô nói: “Yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”, nếu chúng ta thay đổi không vì mình mà vì ích lợi lớn hơn cho người khác thì chúng ta không phải sợ những lời phê bình đó. Trái lại, chúng ta vui mừng được là khí cụ yêu thương mềm dẻo trong tay Chúa.
Bài 100 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.