LTD Bài 10. Cầu nguyện và cầu xin

by snHuyenBang

10. Cầu nguyện và cầu xin

Đối với nhiều người, cầu nguyện chủ yếu là cầu xin Chúa ban ơn, và mình có thể xin tất cả những gì mình muốn, vì Đức Giêsu đã hứa trong Tin Mừng: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7,7). Vì vậy, chừng nào Chúa chưa ban cho, họ cứ tiếp tục cầu xin với hy vọng sẽ đạt được điều mong ước, theo gương của bà goá quấy rầy trong dụ ngôn, cuối cùng cũng được ông quan tòa bất chính minh xét cho (x. Lc 18,1-8).

Nhưng, theo tôi, qua dụ ngôn này, Đức Giêsu chỉ muốn cho chúng ta biết rằng, về phần Chúa, Chúa không sợ bị quấy rầy ngày đêm để đáp ứng cho những lời cầu xin chính đáng của chúng ta. Còn về phần chúng ta, chúng ta phải tin tưởng Chúa, như bà goá tin tưởng ông quan tòa nên bà mới kiên trì đến thế. Tôi không nghĩ Đức Giêsu muốn dạy chúng ta phải năn nỉ ỉ ôi Chúa ngày này sang tháng nọ thì Chúa mới ban ơn cho chúng ta, vì đó là thái độ của đứa con hư, luôn mè nheo để đòi cho bằng được điều mình muốn. Khi xin gì cùng Chúa, tôi chỉ giải bày một lần, rồi như đứa con ngoan, tôi phó thác để Chúa định đoạt, tin chắc rằng nếu điều mình xin hợp ý Chúa thì Chúa sẽ ban, theo cách của Chúa và vào lúc mà Chúa thấy thích hợp, (tôi thường thấy Chúa ban hơn những gì tôi có thể nghĩ rất nhiều); bằng không, tôi biết rằng đó không phải là điều Chúa muốn cho mình và vui vẻ chấp nhận thánh ý Chúa.

Đối với tôi, cầu nguyện là đặt mình trong tương quan với Chúa là Cha trên Trời của mình. Mỗi người có cách riêng để tương quan với Chúa, nên cách cầu nguyện của chúng ta cũng khác nhau. Đương nhiên,người con nào cũng cần đến sự giúp đỡ của cha mình trong cuộc sống, nhưng nếu người con chỉ đến gặp cha mình để xin xỏ thôi thì đó không phải là tương quan cha con đích thực. Làm như thế, chúng ta khác chi đứa con hoang đàng trong dụ ngôn, chỉ muốn xin cha phần gia tài (nghĩa là những ơn mà chúng ta nghĩ mình có quyền hưởng với tư cách là con) để sống theo ý mình? Nhưng dụ ngôn cũng cho chúng ta thấy, khi đứa con không muốn phụ thuộc vào cha nó nữa và rời xa ông, thì cuộc sống của nó đi đến kết cục thê thảm như thế nào. Vì vậy, cầu xin chỉ là một khía cạnh của cầu nguyện và không nhằm để xin Chúa những gì mình muốn, mà để giữ mình trong sự phụ thuộc vào Chúa, v chính điều này mới đem lại hạnh phúc đích thật cho mình. Do đó, không phải tất cả những gì mình xin đều được nhậm lời, nhất là nếu điều ấy có thể khiến mình tự lấy mình làm đủ và cảm thấy không cần Chúa nữa.

Chúng ta có thể biết xin ơn nào thì đẹp lòng Chúa nhờ kinh “Lạy Cha”, do chính Con Thiên Chúa dạy chúng ta. Trước tiên, Đức Giêsu dạy chúng ta xin cho mọi người, trong đó có mình, được nhận biết Cha và sống theo thánh ý Người. Sau đó, xin cho được hằng ngày dùng đủ về lương thực tinh thần cũng như vật chất để được lớn lên trong đời sống thiêng liêng và thể lý; rồi xin Chúa tha thứ mỗi khi chúng ta lầm lỗi và cũng cho chúng ta biết tha thứ cho nhau để có thể thanh thản tiến bước trong cuộc sống; sau cùng, xin cho thoát khỏi cám dỗ và sự dữ, luôn chờ chực chúng ta, để được sống tự do. Vậy, chúng ta chỉ chắc chắn “xin thì sẽ được” khi chúng ta xin những ơn giúp chúng ta sống tự do và yêu thương trong giây phút hiện tại, vì chính khi sống yêu thương, chúng ta mới làm cho người khác nhận biết Chúa và được sống đời đời.

Về các ơn xin cho bản thân mình, tôi có vài nhận xét như sau. Đối vớingười xin cất khỏi bệnh nặng, ít khi Chúa nhậm lời người đã tin vào Chúa, nếu có, sau đó họ đều ý thức mình được sống thêm là vì người khác. Nhưng Chúa lại hay ban phép lạ khỏi bệnh, thường là qua tay Đức Mẹ hay các thánh, cho người nguội lạnh hoặc chưa biết Chúa, chắc hẳn vì mọi hành động Chúa làm đều nhằm mục đích cuối cùng là để mọi người nhận biết và tin vào Chúa, để họ được sống đời đời: Sự sống đời đời, đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Ki” (Ga 17,3). Còn đối với người tuy chưa lâm vào cảnh khốn khó nhưng vì e sợ cho tương lai nên cầu xin Chúa giúp thì dường như họ không được đáp lời. Đức Giêsu chẳng dạy chúng ta phải biết sống phó thác và tin tưởng vào tình yêu quan phòng của Chúa Cha hay sao? Khi xưa, để nuôi sống dân Do Thái trong sa mạc, Chúa chỉ ban manna để họ dùng từng ngày một, nếu ai để dành đến hôm sau thì manna sẽ bị thối rữa và không dùng được nữa. Cũng thế, nếu chúng ta xin ơn Chúa với ý định muốn tích trữ để được an tâm cho tương lai, hoặc để mình không bị tủi hổ vì thua kém người khác, thì chúng ta đừng ngạc nhiên nếu không được nhậm lời.

Mong sao chúng ta không giản lược cầu nguyện vào việc cầu xin, vì như thế chúng ta chỉ tương quan với Chúa để lợi dụng Người, trong khi cầu nguyện phải giúp chúng ta ngày càng yêu mến Chúa hơn bằng cách tìm làm theo thánh ý Chúa, một thánh ý chỉ nhắm đến hạnh phúc đời đời của chúng ta. Do đó, mỗi khi chúng ta cầu xin Chúa điều gì cho mình hoặc cho người khác, thì, như Con Chúa năm xưa trên thập giá, chúng ta nên kèm theo điều kiện: nếu đó là thánh ý Chúa, nếu điều đó làm đẹp lòng Chúa, v.v.

 

Bài 10 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.

Những Bài Liên Quan

@2023 – All Right Reserved. Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình Giáo Phận San Jose