31. Nói về Thập giá
Đối với nhiều người, Thập giá thật khó hiểu và là một trở ngại cho đức tin của họ. Quả thật, Thập giá là một mầu nhiệm và đã nói là mầu nhiệm thì không thể giải thích được. Do đó, tôi không tìm cách giải thích về Thập giá nhưng chỉ xin nói lên cảm nghiệm của tôi về Thập giá.
Chúng ta vẫn thường hay nghe nói là Đức Giêsu cứu chuộc chúng ta bằng giá máu của Người. Chúng ta có thể nghĩ rằng chính vì bị chịu khổ hình đến chết trên cây thập giá mà Đức Giêsu cứu chuộc chúng ta. Nhưng nếu chúng ta tin Thiên Chúa là Cha, Thiên Chúa là Tình Yêu, chúng ta không thể nào nghĩ là Người có thể yêu cầu Con của Người phải chịu khổ hình để đền bồi tội lỗi cho những người con khác hầu cứu chuộc họ. Không, một Thiên Chúa như vậy quá tàn ác!
Tôi nghĩ rằng vì Người luôn cùng một ý muốn với Chúa Cha, nên chính Chúa Con muốn xuống thế làm người, chịu tất cả những khổ nhục của thế gian và đã uống cạn chén đắng của sự dữ, nghĩa là đã phải chết cách đau đớn và tủi hổ nhất trên thập giá. Nhưng Người đã phục sinh, chứng tỏ người đã chiến thắng được sự dữ và cái chết. Nhờ vậy, bất cứ ai bị sỉ nhục, đau khổ, nhọc nhằn, v.v. đều có thể tin rằng Đức Giêsu thấu hiểu và cứu chuộc họ ngay trong thân phận làm người. Vì vậy, Thập giá đáng được suy tôn vì Thập giá là biểu tượng của những nhân đức chủ yếu trong Kitô giáo.
Trước tiên, Thập giá là biểu tượng của lòng tin, lòng vâng phục và lòng phó thác, hoàn toàn và tuyệt đối vào Cha: “Lạy Cha, trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con” (Lc 23,46). Cũng như bằng sự bất tuân mà Ađam đã làm cho chúng ta mất ơn nghĩa nguyên thủy của Thiên Chúa, thì chính bằng sự vâng phục (chứ không phải bằng cuộc khổ nạn) mà Đức Giêsu đã làm cho chúng ta tìm lại được sự sống đời đời. Tuy nhiên, chính trong đau khổ mà lòng tin, lòng vâng phục, lòng phó thác của chúng ta được thử thách, tinh luyện, củng cố và tỏ lộ ra nhiều nhất.
Thập giá cũng là biểu tượng của tình yêu vì qua cái chết trên thập giá, Đức Giêsu cho chúng ta thấy mức độ tận cùng của tình yêu: hiến mạng sống mình dù phải chịu những khổ nhục khủng khiếp nhất. “Không có tình yêu nào cao cả hơn là hiến mạng sống mình vì anh em” (Ga 15,13). Do đó, chính trên thập giá mà tình yêu của Thiên Chúa tỏ hiện rõ nét nhất và được nhận biết nhiều nhất. Vinh quang của Thiên Chúa cũng chói ngời nhất trên thập giá vì vinh quang của Người thể hiện ở nơi nào có tình yêu.
Thập giá còn là biểu tượng của lòng tha thứ, vì trên thập giá Đức Giêsu nói cùng Cha: “Lạy Cha, xin tha tội cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,34). Đồng thời, Thập giá cũng là biểu tượng của việc chiến thắng sự dữ, vì không gì làm cho sự dữ trở nên vô hiệu bằng lòng tha thứ. Satan, cha của sự dữ, rất sợ thánh giá, do đó chúng ta được nhận dấu thánh giá hay chính chúng ta ghi dấu thánh giá trên mình để được che chở khỏi mọi sự dữ. Cuối cùng, Thập giá là biểu tượng của việc chiến thắng sự chết, vì Đức Giêsu đã phục sinh sau khi chết trên thập giá.
Hình ảnh thập giá trông buồn thật, nhưng như thế mới làm nổi bật hơn sự chiến thắng vẻ vang của Đức Giêsu trên thập giá, vì trước Đức Giêsu, thập giá biểu trưng cho sự dữ xấu xa gớm ghiếc nhất. Thập giákhông những đem lại hy vọng cho chúng ta mà còn nhắc nhở cho chúng ta tất cả những thái độ mà con cái Chúa phải có đối với Người và đối với nhau, hầu trở nên giống Con Thiên Chúa, Đấng đã xuống thế làm người để dạy chúng ta sống theo Chúa.