- Cho và Nhận
Có hai loại người, có người thích nhận hơn cho, có người lại thích cho hơn nhận, tôi thuộc vào loại người thứ hai. Tôi vẫn tưởng là tôi “ngon” lắm, tôi coi người chỉ thích nhận hơn cho là người keo kiệt, ích kỷ, còn tôi là người quảng đại, vị tha. Nhưng Chúa đã lột từng lớp mặt nạ nơi tôi và cho tôi thấy tôi còn xấu xa hơn người chỉ thích nhận hơn cho gấp ngàn lần, vì nơi tôi còn có thêm sự giả dối tinh vi mà chính tôi cũng không hay biết, nếu không được ánh sáng Chúa soi rọi vào từng ngõ ngách của tâm hồn tôi.
Vốn là người thích cho, thời trẻ tôi rất hăng hái tham gia công tác bác ái, một hôm tôi bỗng đặt ra câu hỏi: tại sao tôi không hăng hái như thế khi làm việc nhà? Tại sao lại có sự khác biệt ấy vì đàng nào tôi cũng phải bỏ ra thì giờ và công sức, thậm chí còn phải bỏ ra nhiều hơn nữa cho công tác bác ái? Thì ra là vì việc nhà, đó là bổn phận của tôi và nếu tôi không làm còn bị la mắng nữa. Trong khi tôi đi làm công tác bác ái, chính tôi đây rất hãnh diện về tôi, người ngoài thì hết lời khen tôi, còn người thọ ơn thì tỏ lòng biết ơn tôi. Nếu không còn nhận được lời khen và sự biết ơn như thế, liệu tôi có còn “quảng đại”, “vị tha” được nữa chăng? Vậy bác ái ở đâu khi “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng” như thế? Hóa ra tôi đã đánh lừa mọi người dưới lớp vỏ mỹ miều, tôi mượn danh công tác bác ái để đánh bóng hình ảnh của mình trước mặt mình và trước mặt người khác.
Lần khác, tôi đi du lịch cùng một chị bạn thân, chẳng may đúng lúc tay tôi bị sưng và đau vì chứng thấp khớp tái phát. Tôi đã sắp xếp hành lý sao cho có thể tự đảm đương lấy mà không phiền đến ai. Chị bạn này cũng là người thích cho hơn nhận nên luôn muốn phụ giúp tôi xách hành lý. Lần đầu tôi còn nói nhỏ nhẹ để từ chối, nhưng sau vài lần chị cứ chủ động giúp, tôi đã nổi sùng và gắt lên với chị là cứ để hành lý đó cho tôi. Thế là chị tiu nghỉu và khi lên xe, hai người ngồi bên nhau mà bầu khí thì lạnh tanh. Lúc đó tôi mới nghĩ tại sao mình lại khó chịu như thế khi bạn mình muốn giúp mình? Bạn mình muốn làm một hành động tốt đối với mình, mình không lấy làm cảm kích thì thôi, cớ sao lại đáp trả một cách tàn nhẫn như thế? Phải chăng tôi đã quá tự mãn cho rằng mình không cần đến ai và quá tự kiêu không muốn nhận sự giúp đỡ của ai để phải chịu ơn họ?
Có một lần tôi lại bắt gặp mình cũng là người thích nhận đấy chứ. Hôm đó là sinh nhật của tôi, có một người bạn đã đến dự tiệc mà không đem quà gì và thế là tôi lấy làm khó chịu, chỉ một chút xíu thôi, nhưng cũng đủ để Chúa lột thêm một lớp mặt nạ khác cho tôi. Vào thời điểm ấy, tôi cũng có được kinh nghiệm là hễ mỗi lần tôi cảm thấy khó chịu là mỗi lần Chúa bộc lộ cho tôi thấy một hình thức khác của tính kiêu ngạo nơi tôi. Tôi không nghĩ được rằng bạn tôi không mang quà đến vì bạn tôi có một quan điểm khác tôi về quà và việc tặng quà, một quan điểm mà tôi phải tôn trọng. Hoặc bạn tôi có một lý do nào đó không liên quan gì đến tôi và tôi không cần phải thắc mắc. Tôi đã không tin tưởng bạn tôi, chỉ nghĩ được: một là bạn quá bủn xỉn, hai là bạn coi thường tôi và không trân trọng buổi tiệc mừng sinh nhật của tôi, thế là tự ái trong tôi lại nổi lên.
Sau mỗi lần nhận ra mình xấu xa như thế, tôi tạ ơn Chúa đã cho tôi nhìn thấy được con người thật của mình hơn để biết xin Chúa chữa lành và tha thứ cho mình ở điểm nào. Tựu trung, thủ phạm chính vẫn luôn là tính kiêu ngạo nơi tôi dưới thiên hình vạn trạng. Vậy, tôi không ích kỷ nhưng lại kiêu ngạo thì tôi có “ngon” gì hơn ai để khinh chê người ta? Thậm chí tôi còn tệ hơn người ta vì sự giả hình nhằm che đậy tội thâm căn của mình. Càng thấy mình bớt “ngon”, tôi càng được thêm khiêm tốn và dần dần tôi cũng đã biết nhận song song với cho. Giờ đây tôi không còn làm điều gì vì tôi nữa, cho hay nhận, tất cả tôi đều làm vì người khác và tôi chẳng còn biết khi nào mình cho, khi nào mình nhận nữa. Tôi nghiệm ra rằng, trong yêu thương, nhận cũng là cho và cho cũng là nhận.
Bài 115 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.