Giống Nhau Như Đúc

by tgadmin

Một chiều kia khi trời đang mưa tầm tã, đôi vợ chồng trẻ nọ quyết định leo lên gác xép để dọn dẹp cho ngăn nắp, sạch sẽ. Khi bắt đầu di chuyển và sắp xếp những thứ lỉnh kỉnh linh tinh, họ tình cờ thấy những tấm hình chụp của các thế hệ đi trước. Nhiều tấm ảnh trông thật quen thuộc. Như là hình bà cố nội trông thật giống bé Kathy, đứa con gái mới lên 5 của họ. Áo quần của bà tất nhiên là khác, kiểu tóc cũng khác, nhưng nét mặt của bà hồi còn nhỏ trông giống bé Kathy một cách lạ lùng. Hoặc là hình chụp ông chú (great-uncle) lúc được 9 tuổi. Trông ông giống y như cậu con trai Billy 8 tuổi của họ. Vóc dáng cũng như nét mặt của ông chú và cậu bé giống nhau như đúc. Thế là chiều hôm ấy căn gác xép vẫn còn bụi bặm, chả sạch hơn tí nào. Đó là vì đôi vợ chồng trẻ đã bận rộn so sánh những khuôn mặt trong gia đình họ với những khuôn mặt của những thế hệ đã qua.

Những người trong cùng một gia đình thường có những nét giống nhau. Có khi chính người trong nhà không để ý, nhưng người ngoài thì họ thấy được những điểm tương đồng. Cũng có thể người ngoài thích nhấn mạnh những điểm giống nhau của một gia đình là vì định kiến, vì đã biết họ mang cùng giòng máu. “Ồ, cô Mít giống mẹ cô như đúc, lại ăn nói ngọt ngào y như mẹ!” “Chà, hai cha con ông Bưởi giống nhau quá; đúng là cha nào con nấy!” “Hai cậu Xoài và Dừa giống nhau như anh em song sinh, tính nết cũng giống nhau!”

Khi một đứa trẻ chào đời, ai cũng để ý nhận xét xem thằng bé hoặc con bé giống mẹ, giống bố ở điểm nào. Bố mẹ của đứa trẻ sơ sinh thì càng cố tìm xem đứa bé giống mình ở chỗ nào. Khi đứa bé lớn lên, nó có thể thay đổi, giống bố nhiều hơn là khi nó còn bé, hoặc càng lớn thì càng giống mẹ. Nó cũng mang những đặc điểm pha trộn của cả bố lẫn mẹ. Đôi khi một đứa trẻ lại mang những đặc điểm di truyền từ ông, bà, chú, bác, như trong câu chuyện nói trên. Nghe nói ở một vùng bên Trung Hoa có một số gia đình sinh con trông giống người Âu Châu mặc dù cả cha lẫn mẹ đều là người Hoa! Khi tìm hiểu thêm thì người ta khám phá ra rằng tại miền tây Trung Quốc thời xa xưa đã có người da trắng định cư rồi cưới người địa phương, sinh con đẻ cái, cho nên một số gia đình người Hoa mang gien (gene) da trắng.

Người trong nhà không chỉ giống nhau về nét mặt hay về thể lý mà còn có thể giống nhau về nhiều phương diện khác.

Vào năm 1978 trên một hệ thống truyền hình Hoa Kỳ có hai loạt phim truyện thu hút được rất nhiều khán thính giả với tựa đề là “Roots” (cội rễ). Trong phim người ta thấy nhiều thế hệ rất giống nhau về thể lý, từ chiếc mũi, đôi mắt, cái miệng cho đến vóc dáng, nụ cười và cái nhăn mặt. Thú vị hơn nữa là các thế hệ còn giống nhau ở tính tình, tâm lý, cách cư xử, v.v.

Khi sống trong cùng một gia đình, dưới cùng một mái nhà, người ta chịu ảnh hưởng của nhau là chuyện thường. Những đứa trẻ biết nói là nhờ nghe bố mẹ nói chuyện, biết cách cư xử (hoặc không biết cách cư xử) là do quan sát bố mẹ, tính tình nóng nảy hay hiền hòa cũng một phần là chịu ảnh hưởng từ cha mẹ. Có những đứa trẻ bắt chước cha mẹ trong cả những chuyện nhỏ nhặt. Thí dụ như một cậu bé lấy giấy bàn ăn mà lau mặt trên của lon nước ngọt trước khi uống vì thấy cha mình có thói quen ấy. Ngay cả những bào thai còn trong bụng mẹ đã chịu ảnh hưởng từ mẹ mình. Những bà mẹ mang thai mà bị khủng hoảng thì cũng gây tác động không tốt về tâm lý đến bào thai.

Về mặt đạo đức làm người hoặc đời sống đức tin thì sao? Con cái có giống cha mẹ về lối sống nói chung hoặc đời sống đạo nói riêng hay không?

Một gia đình kia có trẻ sơ sinh được lãnh bí tích thanh tẩy. Mọi người trong nhà đều vui mừng hân hoan. Nhưng riêng cậu bé anh của đứa trẻ sơ sinh thì khóc thút thít trên đường về nhà. Bà mẹ ngạc nhiên hỏi: “Sao, con bị gì vậy?” Cậu bé đáp: “Con nghe cha sở nói là cha muốn hai đứa con lớn lên trong một gia đình Công Giáo, mà con thì chỉ muốn sống với bố mẹ thôi.”

Ngày đưa con mình đến nhà thờ lãnh bí tích thanh tẩy, những người làm cha mẹ có trách nhiệm giúp con mình lớn lên trong đức tin Công Giáo, nghĩa là gia đình của họ phải có nếp sống như một gia đình Công Giáo: coi Thiên Chúa là trên hết, biết cầu nguyện, biết đối xử tử tế với nhau, biết thông cảm và tha thứ cho nhau, sống theo tinh thần Phúc Âm, v.v.

Chắc chắn đứa trẻ cần đến nhà thờ, đi học giáo lý, vô đoàn thể, nhưng gia đình của em phải là nơi đầu tiên giúp em lớn lên trong lòng tin, lòng mến. Thật vậy, cha mẹ được coi là những người dậy giáo lý đầu tiên trong đời của trẻ em ngay tại gia đình là giáo hội tại gia (domestic church). Trẻ em có thể đi học giáo lý và tham gia Thiếu Nhi Thánh Thế, nhưng chúng vẫn ở gia đình nhiều hơn, chịu ảnh hưởng từ cha mẹ hằng ngày, dù cha mẹ không để ý. Mỗi lời nói, việc làm của cha mẹ đều không nhiều thì ít có tác động đến con cái trong nhà. Nói như thế có nghĩa là cha mẹ truyền đạt lòng tin và giáo lý qua gương sáng. Có những lúc, bà mẹ hoặc người cha có thể dùng lời nói dậy con cái, giúp chúng cầu nguyện, nhưng gương sáng hoặc gương mù của họ diễn ra hằng ngày trước mắt con cái mà họ không ngờ. Tuy đứa trẻ không nói gì, nhưng nó vẫn ghi nhận những gì xảy ra trong gia đình ngày này qua ngày kia, năm này qua năm nọ.

Vì vậy, những đứa con trong nhà không chỉ giống cha mẹ về nét mặt, tính tình, mà còn có thể giống cha mẹ về lối sống đạo, về lòng tin, về cách sống với người chung quanh. Tất nhiên là có những ngoại lệ: cha mẹ bê bối mà con cái có thể rất tốt do chịu ảnh hưởng của nhà thờ hoặc những sinh hoạt tốt; hoặc cha mẹ rất tốt lành mà con cái vẫn có thể hư hỏng vì nhiều lý do. Tuy nhiên, giáo dục căn bản ở gia đình vẫn rất quan trọng, vẫn giúp đứa trẻ có nhiều cơ may hơn để nên người tốt lành, nên người tín hữu trưởng thành. Dù nó có dở chứng thì vẫn có cơ hội thay đổi cuộc sống về sau nhờ ở nền tảng tốt lành từ những năm tháng hấp thụ giáo dục tốt ở gia đình.

Những người làm cha mẹ, dù thành công hoặc thất bại trên đường đời, đều muốn con cái thành công như mình hoặc hơn mình. Rất nhiều cha mẹ muốn con cái phải học giỏi, đạt được điểm cao, đỗ đạt được những bằng cấp cao, và có địa vị danh giá trong xã hội. Đây là điều đáng khuyến khích, tuy rằng nên cẩn thận, vì đã có những trẻ em bị áp lực quá mạnh từ cha mẹ về việc học nên đã mất đi thời gian để sống hồn nhiên theo lứa tuổi, hoặc vì cha mẹ ép phải chọn nghề không hợp với sở trường nên đi đến chỗ bị khủng hoảng hoặc oán trách cha mẹ.

Thành công trên đường đời là điều đáng mừng. Tuy nhiên người làm cha mẹ còn cần để ý đến những yếu tố quan trọng khác, quan trọng hơn: giúp con mình nên người và thực sự sống đạo. Có thể nói đây là những yếu tố cần có trong cuộc đời con người:

1- Nên người,

2- Thành một tín hữu tốt,

3- Thành công trong xã hội.

Người làm cha mẹ có quyền hãnh diện khi thấy con cái mình thành công hoặc có địa vị trên đường đời. Nhưng bậc phụ huynh hãy nên hãnh diện nhiều hơn khi con cái mình nên người đàng hoàng, sống đạo tử tế. Một người thành công, hoặc có địa vị trong xã hội, mà thiếu đời sống đức tin chân thật hoặc thiếu những đức tính căn bản của con người như lương thiện, chân thật, từ tâm, thì có lẽ không bằng một người nghèo mà sống ngay thẳng, đàng hoàng, tử tế, kính sợ Trời, tử tế với người.

Ngày kia có mấy bà mẹ ngồi nói chuyện với nhau. Bà nào cũng tìm cách để khoe về con mình.

Bà A tự hào nói: “Khi gặp con tôi, ai cũng mở miệng nói: “Chào bác sĩ.”

Bà B hãnh diện nói: “Khi gặp con tôi, ai cũng ngả mũ nói: “Chào cha, ạ.”

Bà C thì nói: “Khi gặp con tôi, ai cũng há hốc miệng mà nói: “Lạy Chúa tôi!”, vì nó là nhà vô địch đô vật sumo, cân nặng tới 412 pounds.”

Câu chuyện khôi hài kết thúc ở đó. Nhưng nếu có một bà mẹ nữa, có thể là bà này sẽ vui mừng mà nói: “Con tôi không là bác sĩ, linh mục, vô địch đô vật, nhưng tôi thấy nó tốt lành, tử tế, thương người, kính sợ Chúa.”

Lm. Giuse Đinh Đức Hảo

Những Bài Liên Quan