CAO QUÝ TÌNH BẠN
Tác Giả: Linh mục Giuse Nguyễn văn Thư
Nhu cầu vạn thuở
Dân Việt Nam khá quen với câu truyện cổ Trung Hoa về 2 ông Bá Nha và Tử Kỳ. Cổ thuộc thời Xuân Thu Chiến Quốc lận ! Bá Nha tuy làm quan lớn, nhưng say mê âm nhạc nên học chơi khá cao về môn ‘thất huyền cầm’. Có lần vui hứng gảy khúc ‘Cao sơn lưu thủy’, nhưng tả hữu chẳng ai hiểu và khen hay, chỉ có chàng tiều phu tên Tử Kỳ tình cờ đi qua, rồi ngồi xuống tấm tắc khen, và rành mạch phân tích bản nhạc hay ở chỗ nào…Thế là cả hai hoan có dịp hỉ bên nhau đàm đạo, trao đổi tâm tình không muốn dứt, để rồi cả hai cùng xúc động khi phải chia tay. Bá Nha hẹn ngày sớm trở lại đón Tử Kỳ về phủ quan chung hưởng phú quý. Nhưng vì nhà nghèo, lại bất ngờ mắc bạo bệnh, Tử Kỳ đã chết trong cô độc. Ngày hẹn tới, Bá Nha trở về chốn cũ thì biết hung tin, bèn ôm đầu khóc rống, rồi mang đàn ra đập vào đá cho vỡ tan. Ông than khóc mấy ngày liền, tuyên bố từ nay đời sẽ vĩnh viễn không còn ai là kẻ ‘Tri Âm’. Ông đã dõng dạc lên tiếng với tả hữu :”Ta được cha mẹ ta sinh ra, nhưng trong đời, người hiểu rõ về ta thì chỉ có Tử Kỳ”.
Thế là :
“Người đi một nửa hồn tôi chết,
Một nửa hồn kia bỗng dại khờ”
(Hàn mạc Tử)
(Bá Nha và Tử Kỳ)
Tri âm . Biết tiếng nhau. Biết tâm tình nhau. Biết ruột gan nhau. Từ ‘tri âm’, ta trở thành ‘tri kỷ’. Tình bạn của con người đấy. Nó không thua nét cao quý của tình yêu chồng vợ, tình thương cha mẹ anh em, cũng như niềm cảm thông với kẻ nghèo hèn xấu số.
Nhóm người Việt tỵ nạn chúng ta ở hải ngoại, tuy đã tạm ổn định trong chuyện an cư lạc nghiệp, nhưng ít nhiều vẫn ngơ ngác trước những sinh họat, những biến cố của dân bản xứ. Vẫn thấy cáí mác ‘mũi tẹt da vàng’ của mình cứ mãi lộ ra trước thiên hạ. Đôi khi thấy quá bơ vơ lạc lõng, mỗi khi muốn chen chân vào những chỗ quá khác biệt văn hóa và truyền thống. Thế là cái mặc cảm thiểu số nổi lên. Cơ hồ mình thua kém ? Xem chừng mình là kẻ đứng ngoài lề ?
Đây là lúc chúng ta cần có bạn bè ‘đồng hương’ để đỡ nâng và ủi an. Càng lớn lên, con người càng cần có những ‘tri âm’ để lướt qua những phút giây căng thẳng muộn phiền. Nhất định ta phải coi đây là chuyện ‘sinh tử’, đặc biệt khi thấy mình hầu chắc sẽ mãi phải kéo lê cuộc sống trên xứ người.
Một khao khát từ thời thơ ấu.
Các bậc cha mẹ đều có kinh nghiệm về tâm lý con cái mình. Đa số bọn chúng vừa đến tuổi đi học đã bắt đầu thấm tình bạn (ngoài gia đình). Vào thời tuổi ‘teen’ mười mấy…thì ôi thôi, lúc nào chúng cũng tha thiết mong có bạn bè đồng trang đồng lứa bên mình. Và vì ‘ngưu tầm ngưu, mã tầm mã’, chúng cố tìm đến nhau mỗi khi có dịp, nhiều khi chểnh mảng cả việc học bài, ăn uống…Chúng hả hê khi được cùng nhau tâm sự về đủ thứ hầm bà lằng. Chúng lắng nghe chuyện của nhau, cổ vũ nhau, xem chừng muốn đem cả trái tim ra để cảm thông, chia sẻ. Chúng coi nhau như những chở che cần thiết cho đời mình.
Trong những tình bạn chân thành và bền vững, con người thấy hạnh phúc vô cùng. Họ coi đây là món quà quý giá trời ban. Họ thoải mái biểu lộ mọi thứ cảm xúc buồn vui trước mặt nhau. Khi phải tạm xa nhau, họ vẫn thường xuyên liên lạc, thăm hỏi thư từ, nhất là trong những dịp năm mới, hay sinh nhật của nhau. Tất cả để nói lên rằng họ vẫn có nhau trong tâm trí, vẫn có nhau từng ngày. Vẫn gần gũi từng phút giây. Bao kỷ niệm vẫn còn đấy…
Tình bạn quý nhất là khi ta lâm hoàn cảnh chán chường thất vọng. Khi thấy đời mình bế tắc, đi vào ngõ cụt, tối tăm. Nhiều khi cha mẹ anh chị em ruột thịt cũng không thể cảm thông. Thế là chỉ còn biết có bạn trên đời.
Bạn bè luôn cần nói thật với nhau rằng họ luôn quan tâm nhau, và cũng luôn muốn mình được quan tâm. Cần được lắng nghe nhau. Tiên vàn là phải cùng nhau tự nguyện, trợ giúp nhau vô điều kiện, không toan tính hơn thiệt, không đòi hỏi điều chi đặc biệt bất thường. Không trách móc, nhưng tôn trọng sự khác biệt của nhau. Ít ra phải có cái tấm tình rộng mở của ‘ngài quan’ Dương Lễ đối với anh bạn ‘lần khân’ Lưu Bình trong truyện tích Việt Nam. Trong Kinh thánh Cựu Ước, quý độc giả lấy làm thích thú với chi tiết tả tình bạn tuyệt vời giữa David và Jonathan, trước khi David lên làm vua. Họ thề sống chết cho nhau và bảo vệ bênh vực nhau, dù trong cảnh huống hiểm nguy nào đi nữa..
Dân Hòa Lan có câu ngạn ngữ “Đường đi tới nhà bạn bè không bao giờ quá xa”. Người Pháp hay bảo nhau rằng thời gian thường hay làm mờ nhạt tình yêu, nhưng nó lại làm đậm nét cho tình bạn chân thật. Riêng Đức Khổng Tử thì dạy ta nên tìm kiếm bạn (hội hữu), để nhờ có bạn ta mới dễ dàng nhận ra những khuyết điểm của chính mình.
Với bạn bè tri kỷ, chỉ một nụ cười, một cái xiết tay, một ánh mắt đồng cảm cũng đã là quá đủ. Dĩ nhiên càng hiểu nhau, sự trao đổi tâm tình càng đầm ấm. Cái quan trọng không phải lá cái ta nhận được, mà là cái ta cho đi, cái ta đã đóng góp cho bạn mình. Chia sẻ là sẻ chia cả cuộc sống, lúc hiện tại cũng như trong tương lai.
Tình bạn không thể mua, cũng không thể bán. Nó lừng lững đi vào hồn chúng ta, thôi thúc chúng ta có nhau lâu dài.
Tình bạn còn sâu đậm hơn nữa khi cùng đi chung những đoạn đường gian nan nguy hiểm, tỷ như bạn bè cùng chung đơn vị chiến đấu trong quân ngũ : Họ ngày đêm đối diện với bom đạn và chết chóc. Mạng sống họ luôn như treo trên sợi chỉ mỏng manh. Nếu vì định mệnh run rủi, họ sẵng sàng cùng chết bên nhau .
Thời Việt Nam Cộng hòa đã từng có những ca khúc về ‘tình lính’ rất cảm động : Huynh đệ chi binh ! Thương nhau khác chi nhân tình ! Lúc tiến, lúc thoái, lúc sướng, lúc khổ, lúc sống, lúc chết, lúc nào cũng cận kề nhau…Và rồi, sau cuộc chiến Việt Nam mới nhất, định mệnh nghiệt ngã đã xô đẩy bao ‘kẻ thua cuộc’ vào cảnh lao lý tù đày tập thể. Lúc đó tình bạn mới càng thắm thiết, bền chặt. Cũng như hoàn cảnh đã dẫn bước một số đông ‘cựu tù’ đó qua định cư tại Hoa Kỳ, họ đã tìm đến nhau để thường xuyên ôn lại những kỷ niệm vui buồn đầy vơi bên nhau : cùng cười cùng khóc với nhau bên tách cà phê, nhất là vào những buổi chiều đông lạnh giá trên xứ người.
Mong có nhau dài lâu
Mình mong có bạn dài lâu vì mình thấy tình bạn luôn lợi ích và cần thiết. Bây giờ đang sống đời tha hương, bạn và tôi thấy sao ? Có ai không hề cần đến tình bạn để có kẻ tri âm, để có người tri kỷ?
Đời sống ví như ta đi trên một chuyến tàu dài : Lúc vào đời, lên tàu, ta gặp một số bạn bè lần đầu. Kế đến liên tiếp gặp bao thân hữu mới lên tàu, lần lượt đi vào đời chúng ta. Rồi có bao nhiêu đợt chia tay, ly biệt. Có bao nhiêu nước mắt với thở than. Cuối cùng đến phiên chính ta cũng phải ‘xuống tàu’ để từ giã mọi người.
Thành ra, bao lâu còn được ở trên một toa tàu nào đó, hãy trân quý bạn bè, dù họ cũng bất toàn và nhiều khuyết điểm như ta. Hãy chân thành chia sẻ, tâm sự, vì nó giúp ta biết vui sống và yêu đời hơn. Bạn bè nhắc ta chỉ có một thứ quý giá trong đời, đó là tình thương và đồng cảm. Bước chân xuống ga tàu cuối là bỏ lại tất cả, là mất hết mọi sự. Chỉ trừ những kỷ niệm thương mến vơi đầy ngày cũ.
Còn với các vị cao niên thì sao ? Càng về già, tâm sự ngập tràn tâm trí, chúng ta lại càng cần có chỗ ‘trút bầu tâm sự’. Hãy an phận tuổi già. Hãy cảm ơn đất trời vì còn được sống tới hôm nay. Hãy trân trọng tình bạn mình đã dày công xây đắp bao ngày. Chả mấy nữa mà phải vĩnh biệt nhau. Hãy tổ chức những buổi họp mặt thân hữu, dù cho đôi tay đã mỏi, cặp mắt đã mờ.
Tiện đây, xin mượn lời thơ giản dị của một thân hữu để chân thành gửi đến tất cả thế này :
“Có người bạn tôi chưa từng gặp mặt.
Có người bạn chỉ quen mới một lần.
Nhưng đã tạo vững chắc mối tình thân
Ngạc nhiên quá, có phần do duyên số.
Chia tâm sự nhỏ to dù sướng khổ.
Đời hạnh phúc vì có chỗ tri
Đời bể dâu sao tránh khỏi thăng trầm
Nhưng bên bạn, mình đồng tâm vui bước !
Tiến thêm bước nữa
Sau phần tìm bạn để thăng tiến về mặt thể lý cũng như tâm lý, bà con mình, nhất là những vị chọn tôn giáo và lối sống tinh thần như những người ‘con Thiên Chúa’, cũng phải biết đồng hành với bạn bè để làm phong phú thêm đời mình bằng những ân sủng thiêng liêng do bàn tay Chúa ban xuống. Khi vui lúc buồn chúng ta cùng biết nhìn lên, an ủi hay khích lệ nhau luôn tin tưởng vào tình yêu và sự quan phòng của Đấng Tối Cao. Dĩ nhiên cần nhắc nhau cố gắng luôn tìm ‘làm lành lánh dữ’ theo giới răn Chúa đã truyền dạy. Cùng biết đón nhận những thử thách và trái ý theo mẫu gương của chính đấng Cứu chuộc nhân loại, để đền tội và thánh hóa mình và tha nhân. Liên tục bảo nhau làm gương sáng cho mọi người… Thiếu phần thiêng liêng này, tình bạn chân thành keo sơn mấy cũng sẽ không đầy đủ ý nghĩa.
Ngó lại lịch sử các thánh nhân trong Giáo hội Công giáo, ta thấy có nhiều vị đã dựa vào tình bạn cao quý để nên thánh. Một Phan-xi-cô thành Assisi đã rủ một nhóm bạn bè học hỏi về lối sống đạo đức qua đời nghèo khó : tất cả đã trở thành những viên gạch vững chắc xây dựng nên một phong trào tu đức mới, nhất là mở đầu cho một dòng tu danh tiếng. Một nữ lưu can đảm thành Avila tên Tê-rê-sa đã cùng bạn đồng hành là Gio-an Thánh giá rủ nhau tiến mạnh trên đường nên thánh, đồng thời ra sức canh cải cho tới thành công đời sống tu của dòng Cát-Minh. Rồi một Phan-xi-cô Xavier đã biết ‘đánh bạn’ cùng người đồng môn Y-Nhã Loyola, để trao đổi những tư tưởng cao sâu tốt đẹp nhất về đời thiêng liêng, đã thực sự nên thánh và còn được tuyên phong là bổn mạng các nhà truyền giáo.
Ráng ‘tiến thêm bước nữa’ đi bạn nhé. Đời sống chúng ta sẽ đầy ắp niềm vui. Ngày tháng sẽ tràn ngập an bình. Để rồi tới ngày phải nhắm mắt lìa đời, chúng ta có thể mỉm cười nắm tay các bạn hữu mà nói lời tạm biệt. Chờ sẽ cùng tái ngộ trên cõi Thiên Đàng mai sau. Lúc đó tâm tư ta sẽ thấy mãn nguyện, khi biết đời mình đã có ý nghĩa và thật đáng sống. Mong lắm thay !
———————————————————————————–